Tổng Bí thư yêu cầu dạy học 2 buổi mỗi ngày miễn phí từ năm học 2025–2026

Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo ngành giáo dục và các địa phương chuẩn bị điều kiện để triển khai chương trình dạy học hai buổi mỗi ngày miễn phí cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở (THCS) bắt đầu từ năm học 2025–2026.
Trong thông báo kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Chính phủ và các ban, bộ, ngành Trung ương về tình hình thực hiện các nghị quyết của Trung ương về giáo dục và đào tạo; chuẩn bị Nghị quyết của Bộ Chính trị về đột phá giáo dục, đào tạo và một số chủ trương hỗ trợ dạy và học, Tổng Bí thư thống nhất chủ trương các trường tiểu học, THCS dạy học 2 buổi mỗi ngày tùy theo điều kiện từng địa phương về cơ sở vật chất, tài chính và giáo viên.
Tổng Bí thư yêu cầu thực hiện dạy học 2 buổi mỗi ngày miễn phí từ năm học tới (Báo Thanh Niên)
Bên cạnh đó, Tổng Bí thư thống nhất chủ trương Nhà nước hỗ trợ bữa ăn trưa cho học sinh tiểu học và THCS các xã biên giới, trong đó ưu tiên các xã biên giới miền núi. Đối tượng bao gồm cả học sinh người dân tộc thiểu số và học sinh là người dân tộc Kinh sống tại các xã biên giới.
Các địa phương cần tập trung xây dựng hoàn thiện các trường liên cấp nội trú, bán trú cho các xã biên giới, tạo thuận lợi cho việc học tập và sinh hoạt của học sinh.
Cả nước hiện có 23,2 triệu học sinh phổ thông. Trong đó, bậc tiểu học có khoảng 8,9 triệu em, bậc THCS khoảng 6,5 triệu. Hiện, việc dạy học 2 buổi mỗi ngày là bắt buộc với bậc tiểu học và khuyến khích ở THCS, THPT.
Tổng Bí thư Tô Lâm nói thời gian qua, Đảng và Nhà nước luôn coi giáo dục đào tạo cùng với khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu và đã có nhiều chủ trương, chính sách quan trọng.
Kết luận nêu: "Chú ý xây dựng trường học phải có đủ phòng học, phòng thực hành thí nghiệm, có nước sinh hoạt, nhà bếp, nhà tắm, nhà vệ sinh, có sân chơi, chỗ ở cho giáo viên".
Nguồn: Báo VietNamNet
Đào tạo lớp người mới phát triển toàn diện
Trước đó, tại cuộc họp, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta luôn coi GD-ĐT cùng với khoa học - công nghệ là quốc sách hàng đầu và đã có nhiều chủ trương, chính sách quan trọng phát triển, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào thành tựu chung của đất nước.
Tuy nhiên, hệ thống giáo dục, đào tạo vẫn chưa có được bước phát triển bứt phá, đáp ứng kỳ vọng của xã hội, nhất là yêu cầu phát triển toàn diện con người Việt Nam và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh đất nước, thế giới đứng trước nhiều cơ hội, thách thức phát triển mới.
Mặc dù có nhiều chương trình mục tiêu quốc gia nhưng điều kiện học tập và sinh hoạt của học sinh ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn rất khó khăn, số trẻ tới lớp còn thấp.
Bối cảnh mới của đất nước đang đặt ra yêu cầu đào tạo lớp người mới phát triển toàn diện, có đủ bản lĩnh, trí tuệ, sức khỏe (cả thể chất và tinh thần) tương xứng với việc thực hiện hai mục tiêu 100 năm của đất nước, trong đó có đào tạo nguồn nhân lực có trình độ, kỹ năng cao, yếu tố then chốt cho thực hiện đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Trước các yêu cầu cấp bách này, cần phải có các quyết sách mạnh mẽ về thể chế, chính sách để tháo gỡ những điểm nghẽn, tập trung nguồn lực đầu tư nhanh chóng hiện đại hóa, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nhằm mục tiêu phát triển toàn diện người học và tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước bứt phá trong giai đoạn mới.
Theo đó, Tổng Bí thư giao Đảng ủy Chính phủ chỉ đạo Bộ GD-ĐT chủ trì, phối hợp, xây dựng đề án trình Bộ Chính trị để ban hành nghị quyết về đột phá phát triển GD-ĐT, tương tự Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Nghị quyết này lựa chọn những vấn đề then chốt, điểm nghẽn lớn hiện nay để tập trung chỉ đạo, tạo chuyển biến rõ ràng, cụ thể trong lĩnh vực GD-ĐT. Thời hạn hoàn thành trong tháng 5-2025.
(Nguồn: Báo Nguoilaodong, VietNamnet, Thanhnien)