Cơ hội lớn để các doanh nghiệp công nghệ số phát triển mạnh mẽ

2025-05-27  

4 trụ cột trong Chiến lược phát triển của Việt Nam

Diễn đàn cấp cao chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2025 (Vietnam – Asia DX Summit 2025) với chủ đề “Làm chủ công nghệ – Đột phá, Vươn mình”, vừa chính thức khai mạc tại Hà Nội.

Là sự kiện do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam – VINASA chủ trì tổ chức trong 2 ngày 27 và 28/5, Vietnam – Asia DX Summit 2025 dự kiến quy tụ hơn 2.500 lượt đại biểu là lãnh đạo các cơ quan, ban ngành, doanh nghiệp công nghệ và chuyên gia đến từ 22 tỉnh thành phố trên cả nước và 16 quốc gia và nền kinh tế trong khu vực.

W-doanh nghiep cong nghe so VN 1.jpgW-doanh nghiep cong nghe so VN 1.jpgW-doanh nghiep cong nghe so VN 1.jpg

Chủ tịch VINASA Ảnh: M.S

Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch VINASA, Tổng giám đốc FPT thông tin: Chiến lược phát triển của Việt Nam hiện dựa trên 4 trụ cột, gắn liền với 4 Nghị quyết lớn của Bộ Chính trị, gồm Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số (CĐS) quốc gia; Nghị quyết 59 về đổi mới hoạt động đối ngoại trong tình hình mới; Nghị quyết 66 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật; Nghị quyết 68 về phát triển khu vực kinh tế tư nhân.

Ông Nguyễn Văn Khoa cũng nhấn mạnh, chưa bao giờ trong lịch sử phát triển, KHCN và CĐS lại được đặt vào vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển quốc gia. Nghị quyết 57 là một bước khởi đầu quan trọng, có thể coi là "bà đỡ" cho sự phát triển của các doanh nghiệp KHCN.

W-khoa hoc cong nghe.jpg

Ảnh minh họa: M.S

Nhận xét việc coi KHCN, ĐMST và CĐS là động lực then chốt để tăng trưởng đất nước trong giai đoạn mới là một lựa chọn rất quyết đoán, ông Nguyễn Văn Khoa cho rằng: “Đây là cuộc cách mạng không chỉ là về công nghệ, mà còn là cuộc cách mạng về con người, với lực lượng nòng cốt là những kỹ sư trẻ sẵn sàng bứt phá, góp phần vào hành trình phát triển đất nước”.

Đại diện các doanh nghiệp thành viên VINASA, ông Nguyễn Văn Khoa cũng kỳ vọng toàn bộ hệ thống chính trị sẽ nhanh chóng hoàn thiện và vào cuộc mạnh mẽ để sớm cụ thể hóa các nghị quyết, quyết sách và có nhiều hành động đột phá; ưu tiên đầu tư vào hạ tầng chiến lược như AI, bán dẫn; đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ; đồng thời mong muốn các doanh nghiệp tư nhân sẽ được tạo điều kiện, cho phép tham gia vào các đề án CNTT, CĐS lớn của Chính phủ.

Công nghệ đã trở thành hạ tầng phát triển cốt lõi của quốc gia

Trao đổi tại tọa đàm, ông Stan Singh, Chủ tịch Tổ chức Công nghiệp Điện toán châu Á - Châu Đại Dương (ASOCIO) cho biết, 7 công nghệ đóng vai trò chuyển đổi tại khu vực châu Á là trí tuệ nhân tạo – AI; an ninh mạng; điện toán đám mây và hạ tầng biên; kết nối 5G; blockchain và giao dịch đáng tin cậy; công nghệ xanh và thông minh cho phát triển bền vững; đào tạo và đào tạo lại nhân lực.

Chủ tịch ASOCIO Stan Singh. Ảnh: M.S

Cũng theo ông Stan Singh, 1 trong 6 trụ cột chính để thúc đẩy sự phát triển của khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam, là sáng tạo và kiếm tiền từ giá trị thông qua tận dụng AI, IoT, blockchain, đám mây, đặc biệt đối với SME, startup, khu vực chưa được phục vụ.

Các trụ cột khác gồm có: Nâng cao nhận thức và mức độ sẵn sàng qua đẩy mạnh kiến thức số, an ninh mạng, mức độ sẵn sàng chuyển đổi số trong giáo dục, chính phủ và cộng đồng vùng sâu vùng xa; tăng cường hợp tác giữa chính phủ, ngành công nghiệp, học viện và xã hội; phát triển nhân lực thông qua đào tạo, đào tạo lại, trao đổi nhân lực để tạo ra lực lượng nhân lực số sẵn sàng cho tương lai; kết nối cộng đồng hơn 10.000 doanh nghiệp ICT tại 24 nền kinh tế để chia sẻ những thực hành tốt nhất; gia tăng cơ hội và giá trị, mang đến kết quả thực chất thông qua kết nối doanh nghiệp, dự án xuyên biên giới, hợp tác công - tư.

Giám đốc Công nghệ FPT Vũ Anh Tú. Ảnh: M.S

Cùng với việc chia sẻ tầm nhìn và chiến lược công nghệ của FPT để góp phần thúc đẩy sự phát triển đột phá của Việt Nam trong kỷ nguyên AI, Giám đốc Công nghệ FPT Vũ Anh Tú cập nhật bối cảnh công nghệ Việt Nam.

Theo số liệu của Bộ KH&CN, tính đến cuối năm 2024, Việt Nam có hơn 54.500 doanh nghiệp công nghệ số, tăng 16% so với năm 2023. Tổng doanh thu ngành đạt gần 152 tỷ USD, với hơn 1,2 triệu lao động đang hoạt động trong lĩnh vực này.

“Những con số này không chỉ đơn thuần là số liệu. Chúng là minh chứng rõ ràng cho thấy: Công nghệ ngày nay không còn là một lĩnh vực riêng biệt, mà đã trở thành hạ tầng phát triển cốt lõi của quốc gia. Chúng ta không còn tranh luận về việc có nên chuyển đổi số hay không. Câu hỏi bây giờ là chúng ta chuyển đổi nhanh đến đâu để không bị bỏ lại phía sau?”, ông Vũ Anh Tú nhận xét.

Nêu ra tầm nhìn đến năm 2045 là kinh tế số chiếm ít nhất 50% GDP và Việt Nam trở thành trung tâm AI và công nghệ số của khu vực, ông Vũ Anh Tú khẳng định: “Tại FPT, chúng tôi tin rằng AI và các nền tảng số xanh sẽ đóng vai trò định hình tương lai nhân loại, và là trụ cột tăng trưởng của tập đoàn trong thập kỷ tới”. Đồng thời, đại diện FPT cũng chia sẻ về chiến lược và những hành động cụ thể của FPT để tự chủ công nghệ AI, bao gồm việc làm chủ AI, tự chủ dữ liệu, tự chủ hạ tầng AI, nghiên cứu phát triển, liên kết quốc tế và đào tạo nguồn nhân lực.

                                                                                                                                                                                                                Nguồn: Báo VietNamNet.Vn