Tròng trành con chữ trên bè tre

 

Chiếc ghe và chiếc bè tre gần chục năm qua đã trở thành "cây cầu" nuôi ước mơ con chữ của bọn trẻ ở Nước Tang và Nước Rin (xã Sơn Bao, huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi).

Để theo đuổi con chữ, mỗi ngày học trò hai thôn Nước Tang và Nước Rin đánh đu trên dòng nước sông Rin

Cuộc vật lộn với thủy thần

6h30 sáng, những cậu học trò người H’rê ở thôn Nước Tang và Nước Rin lao ra bờ sông, lên chiếc bè tre và chiếc ghe nhỏ bé vượt sông Rin tìm con chữ. Em Đinh Văn Lục (lớp 6 Trường THCS Sơn Bao) nhảy lên chiếc ghe, "chiếm" một vị trí ngồi cuối ghe, tay quơ ngang vịn vào thành ghe mỗi khi đến đoạn nước chảy xiết.

Gần một năm qua, từ ngày Lục vào lớp 6, sáng nào em cũng được các anh chị lớn hơn "ưu ái" cho ngồi ghe. Với Lục vậy là sướng rồi, bởi ghe nhỏ sẽ qua bờ bên kia nhanh hơn và không bị ướt chân. Lục ngây ngô: "Em đi miết nên cũng quen rồi. Mấy hôm nước lớn quá thì nghỉ học chứ không dám lên ghe".

 

Chiếc ghe và chiếc bè tre gần chục năm qua đã trở thành "cây cầu" nuôi ước mơ con chữ của bọn trẻ ở Nước Tang và Nước Rin nếu muốn tiếp tục đến trường sau cấp tiểu học. Em Đinh Thị Húc (lớp 9 Trường THCS Sơn Bao) đã có "thâm niên" bốn năm liên tiếp đến trường bằng bè vẫn nhớ những ngày đi học thì nước "còn nhỏ", lúc tan trường về thì dòng thượng nguồn cuồn cuộn chảy về. Sợi dây cáp điện thoại cột ở hai đầu không đủ sức giúp chiếc bè bớt chao đảo. Thế là cả chục học trò phải dồn sức kéo. Luôn sống trong cảnh nơm nớp trước thủy thần nên Húc dù là con gái cũng biết bơi như rái. "Em biết bơi chứ, lỡ chẳng may rớt khỏi bè thì còn bơi vào bờ. Không biết bơi, chẳng dám đi đâu" - Húc nói.

Ở Nước Tang và Nước Rin có 53 học trò đánh đu trên sông Rin tìm con chữ mỗi ngày và đều phải đi kèm điều kiện: biết bơi! Đó là "môn học" quan trọng hơn cả con chữ của những cô cậu học trò. Ông Đinh Văn C’rac, người có thâm niên cả chục năm kéo bè tre đưa trẻ đến trường, tâm sự: "Bọn trẻ biết bơi hết nên mình mới dám kéo bè đi chứ. Bọn trẻ mà không biết bơi thì chẳng dám kéo đâu...".

Hôm chúng tôi có mặt ở đoạn sông này, giữa trưa có hai em học trò cởi quần áo, sách vở cuộn lại rồi bơi qua sông. Người dân ở đây bảo rằng do có một số em học thêm, hoặc đi chơi đâu đó, đến giờ tan trường không ra sông kịp để đi bè.

Ước mơ của người kéo bè

Ông C’rac sau chừng ấy năm bám lấy dây cáp kéo bè, đôi tay đã bắt đầu mỏi. Ông chẳng dám chắc mình còn đủ sức để dìu chiếc bè, chiếc ghe vững chãi qua sông nữa. Sợ lũ trẻ thất học có lẽ là động lực lớn nhất để ông gắn bó với nghề kéo bè qua sông Rin cho đến bây giờ. Có những hôm nước từ thủy điện Đăkđrinh, hồ chứa nước Nước Trong cuồn cuộn chảy về. Ông C’rac phải chốt chặn ngay bờ sông để cấm bọn trẻ xuống bè. "Nghỉ học một ngày không sao, chứ nước lớn quá mà xuống bè nguy hiểm lắm" - ông C’rac nói.

Mỗi tháng kéo bè tre, ông C’rac được xã Sơn Bao cấp lương 1 triệu đồng, nhưng ông luôn mong mình mất việc bởi cả một đời sống ở Nước Tang, ông C’rac hiểu được sức mạnh của dòng thượng nguồn và mong ước lớn nhất của ông là có một cây cầu nối đôi bờ. Bọn trẻ sẽ không phải nơm nớp trên dòng nước nữa. Người dân trong làng cũng sẽ không còn bị cô lập với trung tâm xã Sơn Bao mỗi khi trời nổi mưa to ở phía núi. "Chỉ cần có một cây cầu thôi thì bọn trẻ mưa nắng gì cũng đi học được. Tôi chờ cầu mãi đó chứ. Hi vọng sắp tới có cầu thì tôi cũng nghỉ luôn việc, về đi rẫy" - ông C’rac nói.

Chờ phương án làm cầu

Học trò phải bơi bộ sang sông khi đi sớm hay về muộn

Bà Nguyễn Thị Thành, trưởng Phòng GD-ĐT huyện Sơn Hà, chia sẻ: Có một cây cầu nối vào làng Nước Rin và Nước Tang là mong ước lớn của ngành giáo dục Sơn Hà. Hai thôn này chỉ cách Trường THCS Sơn Bao một con sông nhưng lại gây khó khăn rất lớn cho học trò. Cũng vì gần nhà nên dù trường có nhà bán trú học trò cũng ít ở lại mà mỗi ngày kéo bè qua lại sông đi học. "Thậm chí các giáo viên giảng dạy cấp tiểu học ở hai thôn này cũng phải đi bè tre qua lại sông. Nếu có một cây cầu thì tốt quá" - bà Thành nói.